Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Trách nhiệm mỗi người trước thông tin xấu độc
Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, thông tin xấu, độc thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta cần phải phát hiện, nhận diện đúng thông tin xấu, độc để có những giải pháp ngăn ngừa, không để tác động tiêu cực. Qua đó, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn.
Trên địa bàn thành phố có tới 8.000 trang thông tin điện tử, 2,63 triệu tài khoản mạng xã hội (950.000 tài khoản Facebook, 960.000 tài khoản Zalo, 450.000 tài khoản Youtube, 270.000 tài khoản Twiter). Trong đó có 259 trang Facebook có số lượng thành viên từ 20.000 trở lên. Điều đó cho thấy nhu cầu tiếp cận thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân thành phố rất cao.
Đáng chú ý, mỗi năm có khoảng 7 triệu thông tin các loại xuất hiện trên các trang điện tử và mạng xã hội đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của thành phố. Trong một rừng thông tin đó có khoảng 9% là xấu, độc tác động khác nhau đến tâm lý, nhận thức, của mỗi người cũng như các hoạt động của bộ máy công quyền hay các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là một lượng thông tin xấu, độc không hề nhỏ chút nào.
Vì khi những thông tin xấu, độc xuất hiện trên các trang mạng, ngay lập tức sẽ có hàng nghìn lượt người xem, bình luận, chia sẻ và có thể nhanh chóng làm cho nó tăng theo cấp số nhân. Trong phút chốc, thông tin xấu, độc tạo ra cú sốc trong cộng đồng làm cho uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay của cá nhân nào đó bị bôi xấu, bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà không thể giải thích, thanh minh.
Niềm tin xã hội bị xói mòn, người dân hoang mang, thậm chí có thể dẫn đến những bi kịch của cá nhân… và thiệt hại khó có thể đo đếm được. Đây là vấn đề đang được các cơ quan quản lý cũng như cán bộ, nhân dân hết sức quan tâm vì nó làm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như tác động xấu đến an ninh, trật tự của thành phố.
Một trong nhiều các giải pháp để làm giảm thiểu cao nhất ảnh hưởng của những thông tin xấu, độc tán phát trên mạng xã hội đó là ngăn chặn ngay từ cơ sở. Nói cách khác là làm cho người sử dụng mạng xã hội có sức đề kháng mạnh mẽ trước những thông tin xấu, độc. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc.
Đó là tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc, tin giả như: mục đích, ý nghĩa, nội dung… để đưa ra những nhận định, đánh giá. Sau khi nhận diện nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Hiện nay, về mục đích, các tin xấu, độc đó thường được đăng tải nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin; gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; hoặc nhằm vào các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân nào đó để tấn công dưới nhiều thủ doạn khác nhau.
Về nội dung, thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường được trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai, bịa đặt, xuyên tạc…để gia tăng sức mạnh của thông tin, hoặc tạo sự hoài nghi cho đối tượng tiếp cận mà chúng nhằm đến. Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật, đúng hay sai, tốt hay xấu, buộc chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống để kiểm chứng và phân định. Nếu không, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy của các thông tin xấu, độc đó lúc nào không hề hay biết.
Có một điều mà người sử dụng các tài khoản mạng xã hội là cần phải có kỹ năng công nghệ thông tin nhất định để kịp thời chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu… các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để góp phần làm cho các thông tin đó không thể lan truyền rộng. Ở một phương diện khác, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cũng cần cẩn thận cân nhắc khi comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không trước một thông tin, bài viết, hình ảnh về vấn đề nào đó, để tránh vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc.
Vì một khi những đối tượng chính của các thông tin xấu, độc nào đó nếu bị truy tố trước pháp luật, những người tham gia comment, like , share, dẫn link cũng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, việc nắm nội dung Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh được những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng để góp phần đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc hiện nay là mỗi người chúng ta khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội cần phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào việc lan tỏa thông tin chính thống, tích cực. Đó là cách tốt nhất để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa nhằm xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng cho chính mình và cho cộng đồng.
LÊ NGUYÊN CHÂU
Theo Báo Đà Nẵng