Mang ung thư trong người, vẫn đi làm thiện nguyện
Giáo xứ Mạc Ty Nho (quận 1, TP.HCM) có những nữ giáo dân thường góp công sức phụ giúp việc thiện nguyện khi túc trực hỗ trợ quán mì 0 đồng mở vào buổi tối, khi nấu thức ăn để đội nhóm tặng bà con nghèo, khi phụ việc như rửa chén, bưng bê…
Một buổi sáng ở khu vực nấu nướng, một phụ nữ tóc bạc trắng ngồi rửa chén dĩa. “Tôi bị ung thư mấy năm trước, phải hóa trị và xạ trị, tóc rụng rồi mọc trắng như bọt xà bông. Bây giờ sức khỏe tôi đỡ hơn, nhưng người vẫn yếu, loãng xương”, bà Đoàn Ngọc Phương (63 tuổi) tâm sự.
Trải qua cú sốc chồng qua đời giữa năm 2018, sau đó hai tháng bà Phương biết mình bệnh nan y. Tám tháng bà chống chọi bệnh tật với phần tóc cạo nhẵn. Rồi như cái cây phải tồn tại, bà vượt qua đau buồn, lấy lại tinh thần.
Bà làm nghề may nhưng đã nghỉ. Do chân yếu sau một tai nạn xe, mỗi lần đi thiện nguyện, bà đón xe ôm. Bà nói giản dị: “Tinh thần rất quan trọng, phải có niềm tin, lạc quan mình sẽ khỏe. Mình làm việc có ích thì thấy trong lòng vui. Nhiều khi tôi còn tự trách sao không làm được nhiều việc giúp người hơn”.
Ở với hai con gái, hằng ngày bà phụ chăm cháu 2 tuổi và lo việc cơm nước. Trước đây, lúc còn khỏe và có bạn bè hỗ trợ, bà sát cánh nhiều hoạt động cộng đồng bằng tiền bạc lẫn sức lực. Hai năm sau đợt bạo bệnh, dần hồi phục, bà tham gia lại những việc thiện nguyện.
Ngồi gần, bà Thái Lan (65 tuổi, giáo viên THCS về hưu) tham gia phụ nấu ăn, sơ chế nguyên liệu khi có thời gian rảnh. Dáng vẻ nhanh nhẹn, bà bưng mấy bình nước 5 lít đem đến cho nhóm nấu đổ vào nồi hầm.
Tự nhận chỉ tham gia ít nên bà ngại ngần khi người khác hỏi chuyện. Còn chị Ngô Lệ Mỹ với nụ cười tươi, hết đảo nồi thịt lại quay qua sắp xếp đồ đạc, gom dụng cụ nấu nướng bỏ qua thau nước. Giọng xởi lởi, chị nói mỗi khi nhóm có việc gì cần là chị tham gia ngay không nề hà gì.
Là người phụ trách bếp chính, 5h sáng bà Cao Thị Hoa (63 tuổi, ở gần giáo xứ) đã đến chuẩn bị, trưa về lo cơm nước gia đình rồi lại trở ra. Bà cho biết các chị em phụ nữ trong nhóm ai có thời gian thì ghé phụ việc. Riêng chuyện phụ quán mì thường xuyên thì khoảng 10 người.
“Cũng nhiều việc nên chúng tôi chia ra chuẩn bị, bưng bê, dọn dẹp… Phải tính toán đủ suất, nguyên liệu mỗi ngày có sự thay đổi để người ăn đỡ ngán. Hồi trẻ tôi hay chung tay việc của giáo xứ, giờ về già cũng vậy”, bà chia sẻ.
Dù vất vả quán xuyến và về tới nhà khi đã 23h nhưng bà vui với việc mình làm: “Nhiều bà con cần đến những tô mì này”.
Còn những cái tên khác như bà Thanh phụ bếp, bà Hường dọn dẹp… Là những người mẹ, người vợ, họ đã nhín thời gian, công sức chia sẻ chút tấm lòng bằng những việc cụ thể. Trên những gương mặt này, tôi không tìm thấy nét nào khoa trương hay hình thức. Họ như những nụ hoa nhân ái lặng lẽ nở mà không đợi một mùa xuân.
Theo TTO