Nhận diện và định hướng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh hiện nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) khẳng định quan điểm chỉ đạo hàng đầu đối với quá trình cách mạng Việt Nam là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ”.
Theo đó, cùng với quá trình nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn đòi hỏi phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc hệ thống tư tưởng, lý luận này. Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu 2 bài viết về vấn đề này của TS Lê Thị Hiền Lương, Trưởng khoa, Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng ta không chỉ bổ sung, hoàn thiện khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà còn khẳng định: Tư tưởng của Người “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” [1]. Như vậy, giá trị, ý nghĩa và sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh từ chỗ được minh chứng trong thực tiễn đã được Đảng đúc rút thành quy luật, thành “nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam” cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
1. Vì lẽ đó, các quan điểm sai trái, thù địch với mục tiêu làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ, làm phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, đã và đang chĩa mũi nhọn vào công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ, đi đến xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng và hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hiện có hơn 400 trang web, blog, hàng chục tạp chí, báo, nhà xuất bản, hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, như VPR, VOA, RFA… lập ra các diễn đàn để tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh [2]. Vì vậy, việc nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch công kích Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó đề ra các định hướng, giải pháp phòng chống hiệu quả trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết.
Có thể khái quát các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh thành hai nhóm cơ bản như sau:
Thứ nhất, nhóm các quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ, đi đến xóa bỏ hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, bao gồm các quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ đạo đức cá nhân, đời riêng của Người và các quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ quá trình hoạt động, sự nghiệp cách mạng của Người.
Thứ hai, nhóm các quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ, đi đến xóa bỏ tư cách “nhà tư tưởng” của Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm, quan niệm, luận điểm về cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh (tức là “tư tưởng Hồ Chí Minh”).
Nhìn chung, các dạng quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, công kích Hồ Chí Minh đều có cùng bản chất là vi phạm phương pháp luận biện chứng và các quan điểm khách quan, toàn diện kết hợp với có trọng tâm, trọng điểm; lịch sử – cụ thể; kế thừa, đổi mới, phát triển…, không xuất phát từ lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân, phủ nhận tính tư tưởng, tính Đảng của các tư tưởng, học thuyết nảy sinh từ tồn tại xã hội Việt Nam.
2. Trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh hiện nay, cần chú trọng các định hướng, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về hình tượng cao đẹp của lãnh tụ Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, theo quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2019 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay”, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cuộc đấu tranh này là “xây dựng, củng cố niềm tin khoa học” vào CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam. Trong đó, “xây” là xây dựng nền tảng tri thức, niềm tin, lòng tự hào, ngưỡng mộ, bản lĩnh kiên định vào hình tượng trong sáng, đạo đức cao đẹp của lãnh tụ Hồ Chí Minh và giá trị “mãi mãi soi đường” của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. “Chống” là chống mọi biểu hiện nhận thức và hành động xa rời, phai nhạt, phê phán, phủ định tư tưởng và hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hai là, trong hình thành, phát triển, truyền bá các bài viết phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh, cần chú trọng xuất phát, vận dụng khoa học, hiệu quả các phương pháp luận và tri thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, phương pháp luận của chính Hồ Chí Minh. Trước hết, cần vạch ra sự mâu thuẫn, phi logic, vi phạm phương pháp luận biện chứng và các quan điểm phương pháp luận của triết học Mác – Lênin trong nội dung, cách thức lập luận của các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, trình bày bản chất khoa học, cách mạng, giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất trong sáng, cao đẹp của cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Lấy dẫn chứng cho cuộc đời, tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ từ hệ thống bài nói, bài viết của Người mà còn từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của Người, còn được lưu giữ bằng nhiều hình ảnh, phim tài liệu, hiện vật, nhân chứng khách quan, thuyết phục; và đặc biệt, bằng chính thành quả cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện và dẫn dắt.
Ba là, nghiên cứu, phân tích, khái quát hóa, hệ thống hóa những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng ta “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo” trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới; giá trị, ý nghĩa của những quan điểm, luận điểm đó nói riêng, của toàn bộ tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung với sự định hướng chiến lược cũng như những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bốn là, các cơ sở nghiên cứu về Hồ Chí Minh, các học viện, trường đại học; hạt nhân là các cơ sở của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, phối hợp tổ chức tốt cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, thực hiện phương châm tư tưởng phải đi trước một bước, không để bị động, đối phó.
Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa, trong đó có đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Từ khâu tuyển sinh, tuyển chọn đến quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận chính trị cần có các đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn thí sinh dự tuyển đầu vào, lựa chọn ưu tiên các học sinh có năng lực tư duy, lập luận logic tốt (bao gồm cả học sinh thi tuyển các khối khoa học tự nhiên lẫn khối khoa học xã hội). Bởi, đây là các “cỗ máy cái” đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chủ chốt trong nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị, thực hiện công tác tư tưởng của Đảng.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.88.
2. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Đềán 05/ĐA-TU ngày 19/6/2020 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về “Tuyên truyền, lan toả thông tin tích cực, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh”, tr.3.