Uncategorized

NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI SỐ THÁNG 6/2024

(Ban hành tại Văn bản số 501/STTTT-TTBCXB ngày 31/5/ /2024 của Sở TT&TT)

1. Hướng dẫn triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia

Ngày 16/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông có Văn bản số 1901/BTTTT-VCL gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia.

Theo đó, ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 (sau đây gọi tắt Quyết định số 142/QĐ-TTg). Để việc triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg được đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nội dung liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2030.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, căn cứ theo nhiệm vụ cụ thể được giao tại Quyết định số 142/QĐ-TTg nhanh chóng tổ chức thực hiện Chiến lược, công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu lớn của ngành, lĩnh vực và phối hợp các địa phương phát triển dữ liệu mở, dữ liệu lớn của ngành, lĩnh vực mình; xây dựng và ban hành Chiến lược dữ liệu của riêng bộ, ngành, hoặc lồng ghép các nội dung về chiến lược phát triển dữ liệu trong các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số hằng năm của bộ, ngành để thực hiện đồng bộ với Chiến lược dữ liệu quốc gia; đồng thời gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông) để theo dõi, tổng hợp.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để quyết định việc xây dựng và ban hành riêng Kế hoạch/Chiến lược triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia hoặc lồng ghép các nội dung về phát triển dữ liệu trong các chiến lược, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số hằng năm của tỉnh, thành phố trên cơ sở chi tiết hóa các giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược dữ liệu quốc gia, đồng bộ với kế hoạch phát triển dữ liệu công bố của các bộ, ngành chủ quản các lĩnh vực và phù hợp với điều kiện, nhu cầu, định hướng phát triển của địa phương; đồng thời gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông) để theo dõi, tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc các vấn đề mới phát sinh, kính đề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi thông tin phản hồi để Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, hướng dẫn bổ sung thêm.

2. Nhiều điểm mới được bổ sung trong quy định về thanh toán không tiền mặt

Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP (Nghị định 52) thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực từ ngày 1/7.

Nghị định 52 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Một trong những điểm mới của Nghị định 52 là bổ sung quy định về tiền điện tử (e-money), trong đó làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6).

Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Nghị định cũng bổ sung quy định về thanh toán quốc tế, làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với thanh toán quốc tế (Điều 4); quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5)…

Ngoài ra, điểm đáng chú ý là Nghị định 52 đã bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (Điều 18-20). Việc bổ sung này để phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Đầu tư năm 2020.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể phạm vi các chủ thể được cung ứng (gồm ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích).

3. 10 biện pháp phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng  phổ biến hiện nay

Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ, số tiền thiệt hại, gây bức xúc trong Nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 25/05/2024, Cục  Thông tin cơ sở và Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Văn bản số 397/TTCS-TTTH về tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, trong đó khuyến cáo người dân thực hiện tốt 10 biện pháp để phòng tránh tội phạm trên không gian mạng như sau:

Thứ nhất, bảo vệ thông tin cá nhân: Không công khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo, cần chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai trên mạng xã hội.

Thứ hai, kiểm tra và cập nhật: Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên, bao gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng… không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được danh tính.

Thứ ba, cẩn trọng xác minh: Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội vay tiền cần trực tiếp gọi điện thoại để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.

Thứ tư, tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn: Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn.

Thứ năm, trình báo tại cơ quan Công an nơi gần nhất: Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, vụ việc, cần liên lạc ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để trình bảo.

Thứ sáu, cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch: Không truy cập các đường link trong tin nhắn hay Email lạ không rõ nguồn gốc, không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng…

Thứ bảy, cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn: Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng… Đặc biệt không nghe theo lời các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng.

Thứ tám, cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm: Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Khi phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác mình. Nếu bị mất điện thoại, cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa SIM kịp thời.

Thứ chín, quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng: Không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác. Khi phát hiện đối tượng có hành vì mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Thứ mười, cẩn trọng đối với các Website, ứng dụng giả mạo: Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng.

4. Một số cách thức phòng tránh những mối nguy hiểm trên không gian mạng và các cách đánh giá dữ liệu, thông tin và các nội dung trên web để tránh bị lừa đảo

(Theo Văn bản số 351/TTCS-TTTH ngày 15/05/2024 của Cục Thông tin cơ sở – Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tuyên truyền, phổ biến một số kỹ năng số cơ bản cho người dân)

Link truy cập:

Một số cách thức phòng tránh những mối nguy hiểm trên không gian mạng: https://phutho.gov.vn/pages/chitiet.aspx?newsId=101797

Các cách đánh giá dữ liệu, thông tin và các nội dung trên web để tránh bị lừa đảo: https://phutho.gov.vn/pages/chitiet.aspx?newsId=101896

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button