Tư tưởng Hồ Chí Minh về làm trong sạch bộ máy – giá trị hiện tại
Làm trong sạch bộ máy là mối bận tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt một phần tư thế kỷ. Tư tưởng đó của Người vẫn nguyên giá trị đến ngày nay.
Những chỉ dẫn luôn mang tính thời sự Hồ Chí Minh chỉ rõ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, mà phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Vì vậy, bộ máy của Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Trước hết Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cốt. Cán bộ, đảng viên phải hiểu biết lý luận cách mạng, lý luận phải gắn liền với thực tiễn.
Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và xây dựng Đảng mà hàng đầu, xuyên suốt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng phải coi tự phê bình và phê bình là một thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng; là một vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng; là quy luật phát triển Đảng. Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
Tư cách của một Đảng chân chính cách mạng là không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình, luôn luôn biết tự chỉ trích, tự sửa chữa. Đảng phải luôn luôn xem lại tất cả công tác của Đảng đã thực sự đứng về phía Nhân dân chưa; xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông, hại đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Bộ máy của Đảng trong sạch, vững mạnh phải được thiết lập trên cái nền các chi bộ thật sự là “pháo đài”, hạt nhân lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị; gạch nối giữa T.Ư với địa phương. Bộ máy của Đảng vững mạnh là ở kỷ luật nghiêm minh, tự giác từ trên xuống dưới, thể hiện tư tưởng và hành động nhất trí. Đảng phải xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng bộ máy lập pháp, hành pháp. Quốc hội phải bảo đảm là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước. Để Quốc hội trong sạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những nguyên tắc rất quan trọng như quyền lực trong nước thuộc về Nhân dân; Nhân dân sử dụng quyền lực thông qua Quốc hội và có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, tức là Nhân dân kiểm soát đại biểu của mình.
Chính phủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là công bộc chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Người chỉ rõ dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Các cơ quan của Chính phủ từ T.Ư đến địa phương phải gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân, vác mặt làm quan cách mạng. Chính phủ chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho Nhân dân, đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, phải hết sức tránh. Tuyên bố trước Quốc hội, Người khẳng định, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là một Chính phủ toàn dân đoàn kết, tỏ rõ quốc dân liên hiệp, tập hợp nhân tài không đảng phái; là một Chính phủ liêm khiết, chú trọng thực tế, biết làm việc và nỗ lực làm việc, gan góc, một lòng vì nước vì dân, quyết tâm thực hiện mục đích kiến thiết đất nước, xây dựng nước Việt Nam mới.
Bộ máy của Đảng và Nhà nước muốn trong sạch, vững mạnh, xét đến cùng là vấn đề con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ từ xưa đến nay, từ gần đến xa, trong nước và thế giới, mọi việc đều do người làm ra. Con người thiết kế bộ máy, con người sạch thì bộ máy sạch.
Phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có tài vừa có đức, lấy đức làm gốc. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ, đảng viên là lực lượng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, phải “đi trước để làng nước theo sau”.
Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh bộ máy của Đảng, Nhà nước không ở con số cho nhiều, mà ở cái chất của người đảng viên, cán bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Nhấn mạnh vai trò nêu gương của người đứng đầu bộ máy, Người đã chỉ dẫn phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán trở thành những tấm gương sáng, đầu tàu. Họ phải là những người tiêu biểu cho các phẩm chất đạo đức cách mạng mà hàng đầu là chí công vô tư và hành động quyết liệt trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu; là hạt nhân đoàn kết quy tụ đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời họ phải là những người có trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, hoạch định, tổ chức, điều hành công việc.
Và giá trị trong thực tiễn
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, làm trong sạch bộ máy được hình thành cách đây gần tám mươi năm, từng bước phát triển, hoàn thiện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước. Trước lúc đi xa Người vẫn căn dặn “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Thời gian càng lùi xa, thế giới và đất nước đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta nêu một trong những quan điểm có tính nguyên tắc là phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội XIII đề ra bốn mục tiêu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Đại hội nhấn mạnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với tính hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức của hệ thống chính trị theo tinh thần tinh giản biên chế, khắc phục chồng chéo, Đảng ta coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân, coi dân là gốc; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Đảng chú trọng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Cần khẳng định những nội dung về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong các văn kiện Đại hội XIII là minh chứng hùng hồn cho giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Kinhtedothi.vn