Văn hóa của khát vọng vì dân
Không có điều kiện chứng kiến các đoàn quân nhạc diễu hành nhưng tôi đã xem trực tiếp Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022 truyền hình trực tiếp tối 10.7 trên VTV1.
Hình ảnh “Cây súng và hoa hồng” đối lập mà hòa quyện lại hiện ra khi khán giả được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc của cảnh sát Đông Nam Á. Họ trình tấu điêu luyện, truyền cảm như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đó là dấu ấn mang phổ diện văn hóa của những chiến sĩ vì bình yên cuộc sống.
Trong mọi cuộc bầu chọn về các nghề nguy hiểm nhất thế giới, không bao giờ thiếu nghề cảnh sát. Từ những thanh niên khỏe mạnh, ý chí, lựa chọn theo nghiệp vì an ninh xã hội, vì cuộc sống bình yên của mọi người, họ – những cảnh sát như hiệp sĩ đầy quả cảm, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Dù vậy, tôi thấy rằng nói, viết, các hình thức sáng tạo để phản ánh, tôn vinh người cảnh sát cũng như công an nhân dân (CAND) Việt Nam còn ít, chưa tương xứng. Họ là những người lao động nguy hiểm nhất, đã có nhiều dâng hiến tính mạng, máu xương.
Là lực lượng trị an xã hội có tính chất vũ trang của Nhà nước, làm nòng cốt trong bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, cảnh sát nhân dân (CSND) là một bộ phận hợp thành của lực lượng CAND nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Chính vì vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu về lực lượng này, hướng tiếp cận chủ yếu là chính trị và quân sự. Để hiểu sâu thêm giá trị nhân văn của người CSND, rất cần một hướng tiếp cận mới: tiếp cận văn hóa. Điều này càng có ý nghĩa hơn sau chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII khơi dậy khát vọng của dân tộc đưa đất nước đi tới phồn vinh và lời chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021: phải coi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần của sự phát triển.
Người CSND từ tiếp cận văn hóa
Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa với bản sắc riêng của mình và đó chính là “căn cước” phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Để hiểu được bản sắc và đặc trưng của một nền văn hóa, cần phải nghiên cứu hầu như tất cả mọi mặt của đời sống xã hội bởi theo nghĩa rộng, văn hóa là tất cả sáng tạo của một cộng đồng dân tộc vì sự tồn tại và phát triển. Để dễ hình dung, vi phân nội hàm khá phức tạp và phong phú của khái niệm văn hóa thành bốn nhóm lĩnh vực, tạm coi là những thành tố cơ bản sau đây:
– Văn hóa sản xuất của cải vật chất gồm: toàn bộ những sáng tạo trong hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Ở nước ta, đặc trưng nổi trội của thành tố văn hóa này là nông nghiệp trồng lúa nước gắn với cuộc sống của người Việt từ hàng nghìn năm trước, tạo nên nền tảng kinh tế – xã hội và chi phối mọi tính chất của văn hóa và tâm tính con người Việt Nam.
– Văn hóa đảm bảo đời sống hay văn hóa sinh hoạt gồm: toàn bộ những sáng tạo phục vụ cho cuộc sống hằng ngày: ăn uống, mặc, ở, đi lại, giải trí… Đây là những sáng tạo làm nên sự khác biệt dễ nhận diện, hay nói cách khác là đặc trưng của một nền văn hóa. Cùng là nền nông nghiệp trồng lúa nước, nhưng văn hóa đảm bảo đời sống ở các nước Đông Nam Á, hay nói rộng ra là cả châu Á, rất khác nhau.
– Văn hóa quy phạm gồm: toàn bộ những sáng tạo đáp ứng nhu cầu tổ chức, quản trị và giữ gìn sự ổn định xã hội như những quy ước, phong tục tập quán, luật pháp, thiết chế chính quyền, lực lượng vũ trang. Trong các ước vọng lớn của người Việt luôn có nhu cầu được sống trong an lành. Trong ý nghĩa đó lực lượng CAND, trong đó có CSND thuộc thành tố văn hóa này.
– Văn hóa tâm linh gồm: những sáng tạo phục vụ nhu cầu gửi gắm đức tin (tôn giáo, tín ngưỡng…). Tục thờ cúng tổ tiên, giỗ Quốc Tổ Hùng vương, đạo Phật, đạo Công giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu… là những hoạt động phản ánh đời sống tâm linh của người Việt.
Với vai trò là lực lượng bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, xét từ góc độ văn hóa, lực lượng CAND nói chung và CSND nói riêng thuộc văn hóa quy phạm. Điều này có nghĩa lực lượng CSND mang trong mình những đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Văn hóa truyền thống, chịu ảnh hưởng của ba tác nhân hằng xuyên là kinh tế nông nghiệp, xã hội nông thôn và tính cách nông dân. Từ đây, hình thành nhiều truyền thống tốt đẹp như cần cù lao động, cần kiệm, chịu thương chịu khó, nhân ái hòa đồng, đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, nhân ái vị tha. Lời dạy lực lượng CAND, Hồ Chủ tịch, hiện thân của văn hóa Việt Nam, đã thể hiện rất rõ những truyền thống này trong các điều:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy.
Về một phương diện khác, tính cách nông dân, xã hội tiểu nông và tư duy nông nghiệp cũng để lại những hạn chế cần khắc phục trong tính cách con người Việt Nam. Lực lượng CSND không phải là ngoại lệ. Di tồn văn hóa dưới dạng tập quán của sản xuất nông nghiệp, một loại hình lao động tương đối tự do, được biểu hiện ở tác phong tùy tiện, kỷ luật không chặt chẽ. Sản xuất nông nghiệp truyền thống không cần tới những tính toán chuẩn xác và sự hiệp đồng thật chặt chẽ. Đến nay, dù thay đổi nhiều, song ảnh hưởng của lối sống nông nghiệp còn rất đậm nét trong mọi mặt của đời sống xã hội. Văn hóa cộng đồng làng xã còn là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng tâm lý bình quân chủ nghĩa và một số điểm yếu cố hữu khác. Để từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, lực lượng CSND cần phải có ý thức rèn luyện để khắc phục những hạn chế này.
Cùng đặc tính của văn hóa nông nghiệp, Việt Nam còn in đậm dấu ấn của một nền văn hóa sông nước. Trong ngôn ngữ, người Việt là dân tộc duy nhất trên thế giới gọi Tổ quốc là NƯỚC. Cuộc sống gần/trên sông nước đã tạo nên phẩm chất gan dạ, dũng cảm và khả năng linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo, giỏi thích ứng với mọi hoàn cảnh. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Bác là người am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống và thế mạnh của con người Việt Nam.
Đặc điểm lớn nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam là truyền thống chống ngoại xâm. Do vị trí địa chiến lược quan trọng mà trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam liên tục phải đứng lên cầm vũ khí chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược. Hoàn cảnh lịch sử này đã trui rèn ý thức dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân Việt, trong đó có các chiến sĩ CSND.
Chứa đựng văn hóa truyền thống, CSND còn mang theo những đặc trưng của văn hóa chính trị Việt Nam. Ra đời trong bão táp cách mạng và luôn phải đối phó với kẻ địch mạnh, hung hãn và xảo quyệt, CSND lấy sức mạnh từ nhân dân và một lòng một dạ phụng sự nhân dân. Trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng vừa là phẩm chất vừa là đặc trưng nổi bật của lực lượng CAND nói chung và CSND nói riêng, xét từ góc độ văn hóa.
Những giá trị nhân văn nổi bật
Hình ảnh cao đẹp và giá trị nhân văn của người chiến sĩ CSND được dung dưỡng và vun bồi từ những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống – truyền thống nhân ái, vị tha, yêu kính nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Người chiến sĩ CSND có lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, với Đảng và Chính phủ, cùng lòng dũng cảm, tính kiên định, thông minh, mưu trí và linh hoạt, khôn khéo.
Trên đường tiến lên chính quy hiện đại và trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những phẩm chất đã được tôi rèn, người chiến sĩ CSND phải trau dồi thường xuyên để khắc phục những hạn chế còn rơi rớt lại của văn hóa tiểu nông, trau dồi kiến thức để nâng tầm văn hóa của mình lên, nhất là trong quan hệ với người nước ngoài.
Người chiến sĩ CSND Việt Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời đại mới cần nhanh chóng nắm bắt kiến thức hiện đại để có thể tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, và nắm vững pháp luật của Việt Nam và quốc tế.
Phát huy thế mạnh Việt Nam chính là hiểu sâu sắc và vận dụng sáng tạo những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND để biến tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi khí sắc bén trong khi thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình.
GS-TSKH Vũ Minh Giang
(Chủ tịch Hội đồng KH-ĐT ĐHQG Hà Nội; Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN)