Vượt sóng đến Trường Sa, mang yêu thương nối liền đảo xa
7 ngày vượt sóng, những công dân tiêu biểu của TP.HCM mang yêu thương từ đất liền nối liền với đảo xa.
Vượt sóng gió, vượt ngàn hải lý xa xôi, cả những cánh thư đầy yêu thương của các em học sinh thành phố cũng được trao gửi tận tay cho “chú bộ đội hải quân” đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Cánh thư từ đất liền gửi Trường Sa
Ngồi trên chiếc xuồng CQ vượt từng con sóng đến đảo Núi Le B, thầy Nguyễn Vân Yên (hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie) mang theo chiếc giỏ đựng những bức thư viết tay của các em học sinh.
Đặt chân đến các điểm đảo ở Trường Sa, người thầy thay mặt học trò trao những bức thư đến tận tay các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. “Bên cạnh món quà vật chất, những lá thư là món quà tinh thần có ý nghĩa động viên rất lớn, gửi gắm niềm tin yêu từ đất liền ra nơi đảo xa” – thầy Yên chia sẻ.
Trung sĩ Đỗ Ngọc Lâm (20 tuổi, ở Phú Yên) nâng niu lá thư tay với sẻ chia, thấu hiểu về những gian khó của những người lính nơi đầu sóng, lời động viên các chú, các anh ráng ăn uống đầy đủ và giữ gìn sức khỏe để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Mỗi lần nỗi nhớ đất liền dâng đầy, Lâm cũng như đồng đội lại mở thư ra, đọc và nhìn ngắm bức tranh về chú bộ đội ở đảo xa do chính các em học sinh vẽ tặng.
“Ở đây anh em chúng tôi đoàn kết với nhau, gắn kết như một gia đình. Chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để mang vinh quang về cho Tổ quốc” – trung sĩ Lâm quả quyết.
Duyên hội ngộ khó quên
Ở mỗi điểm đảo đi qua, không chỉ trao gửi món quà có giá trị về vật chất mà hơn hết là món quà tinh thần của những người dân thành phố gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.
Như lời của Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc gọi đây là chuyến công tác thắm tình quân dân với dấu ấn sâu đậm, là “duyên hội ngộ đặc biệt, có một không hai”.
7 ngày vượt sóng vượt gió, mỗi lần nhắc về Trường Sa, nhà khoa học trẻ Trần Thị Như Hoa (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) đều ngân nga giai điệu ngợi ca biển đảo. Càng chuyện trò, chị càng thêm tin yêu và khâm phục những người lính kiên cường không quản khó khăn vất vả, vượt thiếu thốn đủ bề, vượt thiên nhiên khắc nghiệt để từng ngày từng giờ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
“Tôi nhớ từng gương mặt cán bộ, chiến sĩ kiên cường nơi sóng gió. Tôi nhớ vườn rau xanh của chiến sĩ nhà giàn DKI/17 – những mầm xanh vươn mình giữa biển nhờ đôi bàn tay tài hoa của người lính hải quân Việt Nam. Hơn hết, tôi rất nhớ các em bé ở Trường Sa – những mầm non tương lai của đất nước” – chị Hoa xúc động.
Là một nhà giáo trẻ, chị Hoa mong mỏi sau chuyến đi sẽ xây dựng các mô hình giáo dục STEM ở đảo cho các em được tiếp cận bằng những nguyên vật liệu gắn liền với Trường Sa như hoa bàng vuông, cây phong ba, vỏ nghêu, vỏ sò, vỏ ốc… hoặc sáng tạo các sản phẩm STEM có tính sáng tạo và ứng dụng cao như ngôi nhà nổi, đảo nổi, mô hình tàu biển, trường học, nhà giàn.
Suốt những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hồng (hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen) luôn ấp ủ một ngày nào đó được đặt chân đến Trường Sa. Và hôm nay, ước mơ ấy đã thành sự thật.
Đến với Trường Sa, ở nơi đảo xa là thế, người giáo viên không giấu được giọt nước mắt xúc động vì nghe được tiếng trẻ thơ hò reo tươi vui nơi sân trường, tiếng giảng bài và học bài của thầy và trò nơi đầu sóng ngọn gió.
Ngồi quây quần bên trẻ thơ cùng cất tiếng hát giữa khơi xa, cùng nhau chơi trò chơi, thổi bong bóng bay, tết tóc cho những đứa trẻ… – những kỷ niệm đáng nhớ ở Trường Sa được cô giáo Hồng gói ghém mang về đất liền, để rồi mỗi khi đứng lớp, cô kể cho những đứa trẻ thân thương ở đất liền nghe về những đứa trẻ ở Trường Sa.
Trở về sau chuyến đi Trường Sa, tôi sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động hơn nữa hướng về biển đảo quê hương, hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn.
Chị TRẦN THỊ NHƯ HOA
Luôn đi đầu hướng về Trường Sa
Nhân chuyến công tác đến với Trường Sa, đoàn đại biểu TP.HCM đã tặng nhiều phần quà ý nghĩa, thiết thực cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa với tổng kinh phí lên đến gần 42 tỉ đồng.
Đại tá Phạm Văn Thọ – chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân – bày tỏ những năm qua Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” của TP.HCM đã ủng hộ, đóng góp, giúp đỡ rất nhiều cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt nhất là các vườn rau có mái che ở trên tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa dường như đều có sự xuất hiện của Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu tổ quốc”.
“Cùng với các nguồn lực khác, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong tổ chức các hoạt động hướng về Trường Sa” – đại tá Thọ chia sẻ.
Cùng tham gia chuyến hải trình, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân – phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác – chia sẻ, vượt trên ngàn hải lý xa xôi, đoàn đại biểu của TP.HCM đã động viên, chia sẻ tình cảm đến từng chiến sĩ, hộ dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn và trao tặng những phần quà thiết thực, kịp thời động viên đời sống, sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của bộ đội và làm vơi đi sự khó khăn về vật chất, tinh thần của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/17.
Năm 2001, lần đầu tiên đoàn TP.HCM tham gia cùng Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ra thăm Trường Sa. Qua chuyến công tác đó, lãnh đạo thành phố đã nhận thấy đời sống của cán bộ chiến sĩ còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Từ năm 2007 đến nay, TP.HCM đã tổ chức 15 đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa.
Theo TTO