Theo dấu chân Bác

Sức sống và giá trị hiện thực của thi đua yêu nước theo lời dạy của Bác

75 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thiết thực trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc vai trò của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng và thi đua yêu nước chính là phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước vẫn hiển hiện sinh động trong thực tiễn.

Một tác phẩm tranh cổ động đề tài “Thi đua là yêu nước. (Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở)

“Thi đua là yêu nước”

Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân và yêu nước luôn gắn liền với bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, nên yêu nước không chỉ là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, mà còn là một giá trị tinh thần, luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong hành trình dựng nước và giữ nước. Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, nhân nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, mà Người còn nhấn mạnh rằng, “dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước (…) Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ và nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua”[1]. Vì thi đua “là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”, cho nên, khi mỗi người dân hiểu được rằng “thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc”[2], thì sẽ hăng hái tham gia để thi đua yêu nước ngày càng phát triển, trở thành một phong trào cách mạng quần chúng rộng rãi, sâu sắc, phong phú.

Và cũng vì thế, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, để tiếp tục phát huy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc; trong đó, nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Tiếp đó, ngày 1/6/1948 Người ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp; ngày 11/6/1948, Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc[3], Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:  Mục đích của thi đua là để “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” nhằm thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Vì thế, “cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”, nên:“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào công nông thi đua sản xuất, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự Nhân dân, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”… Với tinh thần và ý chí thi đua yêu nước tích cực của mọi giai tầng trong xã hội như thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”[4].

Bác Hồ đi thăm bà con nông dân Bắc Kạn đang gặt lúa mùa năm 1950. Ảnh tư liệu

“Thi đua là đoàn kết”

 Vì thi đua yêu nước là hoạt động sáng tạo, tích cực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như lao động, sản xuất, học tập… ở hậu phương cũng như trên trận tuyến đánh quân thù ngoài tiền tuyến; được diễn ra trong suy nghĩ, hành đông, trong công việc thường ngày của mỗi người, nên đó là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước, của tinh thần, ý chí và sự nỗ lực, hy sinh phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì thế, cũng sẽ không ngạc nhiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất[5] và thông qua phong trào thi đua yêu nước, ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết của mỗi người được nhân lên, được phát huy để nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế cũng cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh, ý chí của tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” thông qua các phong trào thi đua yêu nước “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; “Bình dân học vụ”; “Hũ gạo kháng chiến”; “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”; “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”; “Ba nhất” trong Quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong ngành giáo dục; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; “Ba đảm đang” trong phụ nữ; “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” hay “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”… trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (1954-1975) đã góp phần  làm nên “thành công, thành công, đại thành công” của sự nghiệp cách mạng.

Đồng thời, những bài học kinh nghiệm cùng ý nghĩa, giá trị hiện thực từ các phong trào thi đua yêu nước trong những năm tháng đầy gian khó đó không chỉ cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước “chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới[6] được thực hiện sinh động trên thực tiễn, mà còn chứng minh rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành chức năng, thi đua yêu nước đã trở thành phong trào rộng khắp; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và thực sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh thi đua yêu nước để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,  kể từ khi cả nước thống nhất cùng chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc cách đây 75 năm cũng như trong những bài viết, bài phát biểu khác của Người đều được tiếp tục triển khai trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng.

Luôn xác định rõ yêu nước là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, cho nên mọi giai tầng, không phân biệt giới tính, tôn giáo, thành phần, già hay trẻ; dù ở miền xuôi hay miền ngược, ở trong nước hay ngoài nước đều tích cực thi đua là để “ích nước, lợi nhà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong các phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường,v.v.. đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai”[7] đều cụ thể hóa lòng yêu nước bằng hành động thực tế. Tiếp nối truyền thống đó, từ sau năm 1975, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, phong trào thi đua yêu nước luôn nhận được sự hưởng ứng rộng khắp, sôi nổi và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân; ngày càng được tổ chức và thực hiện sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, trên khắp mọi miền của Tổ quốc…

Đặc biệt, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, các phong trào thi đua yêu nước thường được tổ chức gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với việc triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cả hệ thống chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng các Quyết định về nêu gương… trong cả hệ thống chính trị .

Đó chính là học và làm theo Bác về thi đua yêu nước trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và các tổ chức Hội (phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, văn học – nghệ thuật…),v.v… Trong đó, không thể không nhắc đến các phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thi đua Quyết thắng”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong quân đội; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” trong công an hay “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… lan tỏa sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành.

Thi đua yêu nước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”; phong trào thi đua phải phong phú, đa dạng, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, thường xuyên và liên tục để thông qua đó mà thúc đẩy sự ham hiểu biết, sáng tạo, tiến bộ và gom góp sáng kiến, rút ra kinh nghiệm; trao đổi, tổng kết kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm để không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân mỗi người, là để “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”. Cũng theo Người, việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước cần thiết thực, tránh bệnh hình thức; các phong trào thi đua phải gắn liền với việc lựa chọn, xây dựng gương điển hình và bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ để khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ không chỉ giúp cho thi đua đi vào thực chất, mà việc khen thưởng cũng được chính xác, góp phần động viên mọi người cùng tích cực thi đua “vượt qua mọi sự khó khăn, để mà tranh lấy thắng lợi”.

Vì thế, thực hiện thi đua yêu nước theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ góp phần thiết thực khơi dậy cái “chân, thiện, mỹ” mà còn thúc đẩy sự nỗ lực, tính nhân văn, hướng thiện, đoàn kết, sáng tạo… của mỗi con người, để tự bản thân mỗi người từng bước đẩy lùi cái ác, cái tiêu cực, lạc hậu, làm cho cái thiện sinh sôi, nảy nở. Và cũng vì thế, có thể khẳng định rằng: Học và làm theo Bác về thi đua yêu nước không chỉ là thiết thực rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tinh thần sẵn sàng dám làm, dám chịu trách nhiệm để đem lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội và cho đất nước, mà còn tạo ra một môi trường rộng rãi để mỗi người dân nói chung, cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng gương mẫu đi đầu, thống nhất giữa nói và làm, nhất là nói trước, làm trước để phụng sự Tổ quốc và nhân dân với tinh thần tận tụy, công bình, liêm chính nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8]./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.495

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.170

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.556-558

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.557

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.407

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.407

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.406-407

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.215

TS. Văn Thị Thanh Mai

Theo hochiminh.vn

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button