Phát huy vai trò của quần chúng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ giai đoạn hiện nay
(HCM.VN) – Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thử thách. Trong đó, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ, phát triển học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ là nhiệm vụ chính trị quan trọng cho đến nay. Muốn làm tốt được nhiệm vụ này, cần sự định hướng đúng đắng của Đảng, sự tham gia chung sức của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đặc biệt là vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh “không tiếng súng” giai đoạn hiện nay.
Từ khía cạnh lịch sử cho thấy, quần chúng nhân dân chính là chủ thể tạo ra mọi của cải vật chất bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, quần chúng nhân dân chính là người làm nên lịch sử. Ở Việt Nam chúng ta, tư tưởng trọng dân, tin dân và yêu dân cũng là tư tưởng có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa. Nguyễn Trãi cho rằng: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Từ đó, chúng ta thấy, sức mạnh vô định là từ dân mà ra, không có dân ủng hộ, không có dân giúp sức, thì mọi cuộc cách mạng sẽ không bao giờ đi đến thắng lợi cuối cùng.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng rút ra bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”[2]. Từ thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đi từ những cuộc đấu tranh cách mạng với những chiến thắng lẫy lừng, vàng son một thủa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc đấu tranh đánh đuổi Đế quốc Mỹ, chúng ta ghi nhận, đánh giá cao vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong những chiến thắng đó. Tiếp đến là công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đổi mới đi lên, phát triển cùng thời đại và khẳng định tên tuổi và sức ảnh hưởng không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Với sự trỗi dậy vượt trội như vậy, Việt Nam ngày càng phát triển, đất nước ngày một giàu mạnh, đời sống của quần chúng nhân dân ngày một no ấm, sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được bồi đắp và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân ngày càng có sức sống mới.
Để duy trì việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thể lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số yêu cầu, nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, chú trọng hơn nữa việc tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi, động lực để mỗi người dân có thể tích cực và chủ động tham gia cùng các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền ở cơ sở trong cuộc đấu tranh chống lại các thể lực thù địch, phản động, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ là khi quần chúng nhân dân đã được khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng về vai trò của quần chúng nhân dân, tạo khuôn khổ cho việc tổ chức, vận hành trong toàn xã hội, đặc biệt là sự thể chế của đường lối, chủ trương trong việc định hướng, hướng dẫn quần chúng hành động trong thực tiễn. Ngoài ra, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò của quần chúng, phải thật sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân “theo đúng đường lối nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân và giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Đồng thời, thông qua các cơ quan chuyên trách, tổ chức cơ sở đảng các cấp, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên làm tốt công tác tuyên truyền, giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức về tính chất, tầm quan trọng của việc tham gia đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thể lực thù địch, phản động.
Thứ tư, tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào, các hoạt động thực tiễn do Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị phát động. Như tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt là khả năng nhạy bén, nhận diện và nhận thức của quần chúng nhân dân trước các luận điệu bóp méo, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng, như các diễn đàn, các trang Facebook; các fanpage; Youtube, các website…của các thế lực thù địch hiện nay. Để quần chúng có thể biết rõ đó chính là những thông tin giả mạo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó mới có khả năng nhận diện và phản bác lại các quan điểm xuyên tạc sự thật, không bị các thế lực thù địch dụ dỗ, không trở thành đối tượng cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống Đảng, chống Nhà nước taị./.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.96-97
ThS. Dương Quốc Thành – Học viện An ninh nhân dân
Theo HCM.VN