Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vạch trần những mưu đồ độc ác

Một trong những tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài tự khoác lên mình cái tên “Người Thượng vì công lý” (Montagnards Stand For Justice). Với khẩu hiệu đầy tính kích động: “Thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên”, chúng đang tìm mọi cách thực thi các âm mưu chống phá sự bình yên của vùng đất đại ngàn tươi đẹp.

Với những thủ đoạn nham hiểm, hành vi dã man, điên cuồng, chúng chính là kẻ thù của đồng bào các dân tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên đang ngày đêm gắng sức dựng xây quê hương ngày một thịnh vượng, bình yên và hạnh phúc.

Lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk trong những ngày truy bắt các đối tượng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

NHẬN DIỆN TỘI ÁC

Những ngày qua, hàng loạt câu hỏi cứ luôn trở đi trở lại trong tâm trí tôi: Vì sao mà máu của đồng chí, đồng bào lại phải đổ xuống mảnh đất buôn làng giữa những năm tháng thanh bình này? Ai là những kẻ gây nên tội ác? Lý do nào đã khiến những người cùng sống chung giữa không gian quê hương, nương rẫy, buôn làng, cùng uống chung nguồn nước mẹ đại ngàn lại trở thành những con thú khát máu hủy hoại sự sống của đồng bào mình?…

Sáng sớm ngày 11/6/2023, cùng với hàng triệu người khắp mọi miền đất nước, từ khi thức giấc, tôi đã phải đón nhận những thông tin đau lòng từ hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk) như phải chứng kiến một trận động rừng kinh hoàng. Là người đã có hơn ba thập niên gắn bó với những cánh rừng, buôn làng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tôi thật sự căm giận những kẻ độc ác, xót xa với thảm cảnh và âm ỉ trong tâm hồn một cảm giác hụt hẫng, một nỗi buồn.

Các cơ quan chức năng đã nhận diện đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Ðịa chỉ mà chúng nhắm tới đốt phá là các cơ quan nhà nước, trụ sở công an xã.

Ðối tượng mà chúng hung hãn ra tay hành động là cán bộ cấp ủy, chính quyền, là các chiến sĩ công an và cả những người dân vô tội. Ðó là đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch xã Ea Ktur Nguyễn Văn Kiên và Chủ tịch xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Dũng. Họ là những người suốt bao năm tháng qua đã dành trọn tâm sức và trí tuệ chăm lo cho sự phát triển quê hương, cho đời sống người dân các dân tộc anh em ngày càng ấm no, hạnh phúc. Là Thiếu tá Hoàng Trung, Ðại úy Nguyễn Ðăng Nhân – cán bộ công an xã Ea Ktur; Thiếu tá Trần Quốc Thắng, Ðại úy Hà Tuấn Anh – cán bộ công an xã Ea Tiêu. Họ là những cán bộ, chiến sĩ công an, những người ngày đêm bảo vệ trị an buôn làng, bảo vệ sự bình yên cho mỗi mái nhà, mỗi người dân, cho những nương rẫy, cánh rừng tốt tươi.

Chúng còn cướp đi sinh mạng 3 người dân bình thường trong cơn say máu. Những người đồng bào bị chúng giết hại ấy là những người từng chung điệu chiêng, chung vòng xoang, chung cần rượu với chúng trong những ngày buôn làng vào hội.

Ngoài giết hại 9 người, làm bị thương 2 người, chúng còn bắt cóc 3 công nhân làm con tin trên đường chạy trốn.

Ðến nay chúng ta đã có thể dựng lên chân dung khá đầy đủ của những đối tượng khủng bố để vạch trần bộ mặt của chúng, kể cả những kẻ chủ mưu, những tổ chức phản động đã và đang từ xa kích động, giật dây, chống đối chế độ, phá hoại sự nghiệp dựng xây, kiến thiết quê hương và cuộc sống bình yên của nhân dân Tây Nguyên. Ðó là những kẻ chống đối, phản động trong nước tham gia các tổ chức chống phá Ðảng, Nhà nước. Có cả những kẻ từng suốt một quãng đời được hưởng thành quả cách mạng, được chăm lo cuộc sống, được học hành, vui cùng nương rẫy với bà con buôn làng nhưng đã biến chất trở thành những kẻ quá khích, man rợ, độc ác.

Tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu, với những lời khai của các đối tượng, chúng tôi không khỏi đau lòng vì một số tên khủng bố là những nông dân có cuộc sống gia đình, người thân ngày càng khởi sắc, no ấm, chỉ vì rơi vào cạm bẫy của những thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch, chúng đã biến mình thành công cụ của kẻ thù. Lực lượng công an đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.

Cho đến thời điểm này, cơ quan công an đã bắt giữ và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 90 đối tượng với các tội danh: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm” và “Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”. Nhiều người có liên quan đã bị triệu tập; công tác đấu tranh, truy nã các đối tượng bỏ trốn vẫn đang tiếp tục.

Càng căm thù và lên án sâu sắc những kẻ giết người bao nhiêu, trong những ngày qua, tự tâm can, tôi càng thấy thương những người Amí (mẹ), những người Mo (vợ), những đứa Anak (con) tội nghiệp của chúng bấy nhiêu. Rất nhiều người thân của những tên khủng bố đã khóc cạn nước mắt, đã đau khổ tận cùng. Chính họ cũng không hiểu vì sao, vì điều gì mà người con, người chồng, người cha của mình lại trở thành những tên giết người máu lạnh. Ðược chính quyền và cơ quan công an động viên, giải thích, họ dẫn những người thân vừa gây nên tội ác tày trời ra tự thú, nhận tội.

Ðồng bào Tây Nguyên, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số đã lên án mạnh mẽ những hành động tội ác và những kẻ gây nên tội ác. Họ đã hợp tác tích cực cùng chính quyền, các lực lượng công an, quân đội trong quá trình cung cấp thông tin, tham gia vây bắt những tên khủng bố. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã vãn hồi tình hình, trả lại sự bình yên vốn có cho mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Chúng tôi cũng hết sức đồng tình với nội dung bức tâm thư của người thanh niên dân tộc Ê Ðê, ca sĩ Y Vol Ênuôl (con trai của cố NSND Y Moan Ênuôl) gửi những người đồng tộc của mình. Y Vol viết: “Nhận thông tin vụ sát hại cán bộ, công an và nhân dân tại 2 xã thuộc huyện Cư Kuin, tôi rất căm phẫn và đau xót trước hành động man rợ của những kẻ sát nhân. Qua đây, tôi có đôi lời tâm tư với bà con dân tộc mình, đặc biệt là những người nhẹ dạ cả tin theo lời tuyên truyền, xúi giục của bọn phản động lưu vong (…). Kính mong các chú, các bác, anh em đồng bào hãy đoàn kết một lòng, đừng nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chúng sẽ lợi dụng để chia rẽ chúng ta…”.

Cũng cần chỉ rõ những kẻ chủ mưu, chỉ đạo bạo loạn, khủng bố thực sự là ai? Câu hỏi này không khó trả lời. Ðó chính là những tổ chức phản động, những kẻ lạc loài lưu vong bên ngoài Tổ quốc nhưng không nguôi nuôi lòng thù hận với đất nước, với chế độ, với quê hương, với mảnh đất đại ngàn đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng. Dù là tên gọi nào, hình thức nào thì bản chất chỉ có một.

Ðơn cử như Fulro – dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với đất nước Việt Nam, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm, độc ác, hoạt động kéo dài nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng, có lúc tưởng chừng đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn tồn tại thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Sau Fulro 1, Fulro 2, giờ đây là Fulro thế hệ thứ 3 và các nhánh, nhóm phản động núp bóng tôn giáo, sắc tộc vẫn đang ngày đêm rình rập, tìm cơ hội tạo nên những bất ổn cho vùng đất đại ngàn. Chúng không từ bỏ âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, li khai, tự trị.

Bằng chiêu bài sử dụng công cụ đội lốt tôn giáo như “Tin lành Ðêga”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” rồi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, chúng tập hợp lực lượng, tuyên truyền, huấn luyện các đối tượng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và thành lập nhà nước riêng – cái gọi là “Nhà nước Ðêga độc lập” hay “Nhà nước Tây Nguyên tự trị”.

Tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 19 đến 22/6/2023, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt – Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an Việt Nam), trong bài phát biểu của mình đã khẳng định vụ tấn công tại Ðắk Lắk ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức với “hành vi manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính”.

Ông đã phân tích, nhận diện đây là hoạt động do các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho các đối tượng trong nước và cử người xâm nhập vào Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố. Trong các đối tượng tham gia vụ khủng bố, có một số đối tượng là thành viên một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.

Như đã nói, tưởng chừng Fulro chấm dứt hoạt động, nhưng không phải thế, cái bóng ma ấy vẫn núp từ bên ngoài Tổ quốc và len lỏi vào những cánh rừng, những buôn làng, mái nhà. Ðược các thế lực thù địch với Việt Nam “hà hơi tiếp sức”, cung cấp nhân lực, vật lực, chúng tìm mọi cơ hội nhằm phá hoại sự bình yên của vùng đất Tây Nguyên bằng các hình thức tuyên truyền kích động, tổ chức bạo loạn, chống phá, khủng bố. Các cuộc bạo loạn năm 2001, 2004 và điểm nóng 2008 cùng với vụ khủng bố đẫm máu vừa qua là những minh chứng rõ nét về tội ác của tổ chức Fulro thế hệ mới.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðắk Lắk trao xe đạp tặng học sinh nghèo

ẢNH GIÁC VÀ CHỦ ĐỘNG TRƯỚC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ

Tìm cơ hội để bóp méo, xuyên tạc sự thật, kích động chia rẽ; dùng các chiêu bài tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị bằng những luận điệu nham hiểm, dối trá – đó là những thủ đoạn không có gì mới của các tổ chức phản động lưu vong và những kẻ xấu đang hiện hữu trong các buôn làng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng, bằng sự đấu tranh kiên quyết của nhân dân, nhiều tổ chức của chúng đã bị phá vỡ, nhiều đối tượng đã chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và dựng lên các tổ chức đội lốt để thực hiện mưu đồ là phương thức mà bọn phản động Fulro lưu vong đã và đang sử dụng và chúng coi đây là các chiêu bài hữu hiệu, đắc lợi. Thời kỳ trước, chúng dùng “Tin lành Ðêga” hay “Quỹ người Thượng” để tập hợp lực lượng, kích động tâm lý ly khai, xúi giục, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ gây nên các cuộc bạo loạn và điểm nóng chính trị. Gần đây, vẫn tiếp tục âm mưu thành lập “nhà nước Tây Nguyên tự trị”, chúng lập mới các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo mang tên “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” rồi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.

Theo tài liệu do cơ quan công an công bố: Cái gọi là “Tin lành đấng Christ” là một tổ chức do cựu đại tá-Bộ trưởng Ngoại giao Fulro 3 Y Hin Niê đang lưu vong tại Mỹ lập ra. Tổ chức này có trụ sở chính tại bang North Carolina (Mỹ) và chi nhánh ở vài quốc gia khác. Tên trùm Fulro này thông qua tổ chức đội lốt tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động đồng bào tư tưởng ly khai, tự trị nhằm hướng đến mục đích thành lập “nhà nước riêng” và “tôn giáo riêng”.

Vô cùng nguy hiểm là từ nước ngoài, chúng thò nọc độc về Việt Nam và dựng nên các chân rết trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác ở trong nước. Với tinh thần cảnh giác cao độ, đấu tranh tích cực, từ năm 2017 đến nay, chúng ta đã bóc gỡ và xử lý theo pháp luật hàng chục đối tượng cốt cán của tổ chức phản động này. Tuy nhiên, mầm độc của chúng vẫn gieo rắc khắp nơi.

Dù hình thức, tên gọi khác nhau, nhưng bản chất của các tổ chức phản động lưu vong đều giống nhau. Nhóm “Người Thượng vì công lý” cũng là một thí dụ. Tổ chức này do tên Y Phíc Hdok (lưu vong tại Mỹ), Y Quynh Bdăp (lưu vong tại Thái Lan) cùng 15 đối tượng phản động, lưu vong khác nhóm lại. Tại nước ngoài, chúng câu kết với các tổ chức Fulro lưu vong (MHRO, MRO…) và “Ủy ban cứu trợ người vượt biển”-BPSOS.

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm cách liên lạc, kích động những người trong nước thiếu hiểu biết, thu thập thông tin sai sự thật nhằm mục đích xuyên tạc, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào. Chúng đã dùng những thông tin dối trá ấy làm các bản “báo cáo nhân quyền”, “nạn nhân tôn giáo bị đàn áp”,… nhằm phục vụ những âm mưu đen tối.

Dù luận điệu, hành vi của các phần tử chống phá chế độ, chống phá cuộc sống bình yên của miền đất đại ngàn có xảo trá đến đâu thì cũng không thể che đậy được bộ mặt của chúng, bộ mặt của những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội buôn làng và đồng bào ruột thịt. Rất đáng tiếc, một số tổ chức và cơ quan truyền thông quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam lại tích cực “cổ vũ”, “đồng hành” và bênh vực cho cái xấu, kẻ ác.

Ví như, trong khi nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đang cực lực lên án vụ tấn công khủng bố tại huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk) thì một tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại ngày 23/5/2023 đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc núi rừng trong lòng tôi”. Nội dung bài viết này cố tình đưa ra những luận điểm xuyên tạc sự thật, như “người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân”; hay “có quá nhiều người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn”.

Hoặc đưa ra góc bình luận bóp méo, đầy tính thù địch rằng: “Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đi ngược lại chính sách đại đoàn kết dân tộc và giờ đây lại còn đổ vấy trách nhiệm về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin”. Tác giả bài viết này còn kích động sự chia rẽ cộng đồng các dân tộc bằng sự xảo ngôn, đánh lái nguy hiểm: Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên “không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ đồng bằng”. Hay ở một bài viết khác thì cố tình đưa ra nhận định xuyên tạc rằng: “người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ”…

Với những cách truyền thông sai lệch, bóp méo trên, các bài viết nhằm hướng dư luận của cộng đồng quốc tế về phía bất lợi cho Việt Nam; cố tình khoét sâu mâu thuẫn, tạo sự bất ổn và kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam…

Có thể thấy các thế lực phản động, thù địch luôn rêu rao rằng, đồng bào Tây Nguyên bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp và bị xóa nhòa bản sắc văn hóa! Thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Hiện thực Tây Nguyên hôm nay với những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, về sự tiến bộ trong vấn đề bảo đảm nhân quyền, sự khởi sắc vượt bậc trong đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu đồng bào là minh chứng rõ ràng và thuyết phục về những đổi thay kỳ diệu trên xứ sở đại ngàn.

Ngày xưa, dù sống giữa vùng đất Tây Nguyên với kho tàng tiềm năng giàu có nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền thượng du này mãi đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Hai cuộc xâm lăng, giày xéo của kẻ thù lên đất nước ta, người Tây Nguyên cũng cùng chung thân phận nô lệ như các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Ðánh Pháp, đuổi Mỹ thành công, nước nhà thống nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thực sự được giải phóng; được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em.

Từ ngày hết chiến tranh, Ðảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Nhất là từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng Tây Nguyên”, nguồn lực tập trung đầu tư ngày càng cao, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa bàn chiến lược này.

Gần đây, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển vùng Tây Nguyên, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn…

Ðường lối nhất quán của Ðảng ta là bảo đảm quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người. Cũng như các dân tộc anh em, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ, khẳng định sự bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thành tựu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong nhiều năm qua rất đáng ghi nhận. Ở Tây Nguyên không có sự kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn, phát huy và lan tỏa các hệ giá trị.

Các đối tượng chống phá rêu rao rằng, chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo. Chúng luôn cáo buộc Nhà nước ta không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lập luận của chúng đã cố tình phớt lờ thực tế, xuyên tạc sự thật; dùng xảo ngôn để che đậy những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo thực hiện chống phá. Thực tế, Tây Nguyên là một không gian sinh hoạt lý tưởng của các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Theo thống kê, vùng Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài với tổng số 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Trong đó, Công giáo có trên 1,1 triệu tín đồ, khoảng 1.000 chức sắc, trên 2.500 chức việc và 500 cơ sở thờ tự; Phật giáo có 670.000 tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, 2.800 chức việc và khoảng 570 cơ sở thờ tự. Ðạo Tin lành có khoảng 580.000 tín đồ thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt…

Các cấp ủy và chính quyền ở Tây Nguyên luôn phát huy vai trò, thế mạnh, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Cổ vũ mặt tích cực nhưng chúng ta cũng không dung thứ việc lợi dụng các hoạt động tôn giáo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những kẻ giả hiệu tôn giáo để chống phá cuộc sống bình yên của buôn làng chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quốc gia. Không ai muốn nhớ lại những câu chuyện buồn từng xảy ra và vừa mới xảy ra trên vùng đất tươi đẹp này. Nhưng vì sự phát triển thịnh vượng vùng đại ngàn phía tây Tổ quốc, chúng ta cần phải lưu tâm sâu sắc các sự kiện này như một phần ký ức đáng phải suy nghĩ, những bài học thấm thía và đau lòng. Muốn giữ gìn sự bình yên, Tây Nguyên phải xây dựng cho mình sức mạnh nội sinh, tạo nên nguồn kháng thể mạnh mẽ trước mọi khó khăn, biến động.

Bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư, cấp ủy và chính quyền các tỉnh trong khu vực cần phát huy trí tuệ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; có những điều chỉnh phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp phát triển quê hương và nâng cao đời sống nhân dân, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch./.

Theo nhandan

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button